Nguồn ảnh: dollarsave
Tiết kiệm là việc làm quen thuộc, mỗi người có cách thức và mức độ tiết kiệm khác nhau. Nhưng để đạt mức tiết kiệm thông minh là một mức độ khó hơn. Bài viết sẽ chia sẻ một chút về phương pháp và kinh nghiệm trong việc thực hành tiết kiệm.
1. Tiết kiệm không hề đơn giản.
Tiết kiệm là loại bỏ các khoản chi không cần thiết để chúng ta có nhiều tiền sử dụng trong tương lai.
Loại bỏ các khoản chi là đồng nghĩa với việc thay đổi thói quen sinh hoạt. Do vậy, tiết kiệm không đơn giản, nếu chúng ta có mục tiêu tài chính rõ ràng và khao khát thực hiện đủ lớn thì chúng ta sẽ có quyết tâm để thay đổi.
Ví dụ về việc loại bỏ:
Ví dụ 1: 7 cái áo sơ mi cho 5 ngày đi làm.
Ngày tôi gặp khó khăn trong công việc, thu nhập của tôi giảm hẳn. Trong 2 năm tôi không hề mua sắm quần áo mới, nhìn tủ quần áo tôi có 7 chiếc áo sơ mi, lúc đó tôi nhận ra rằng ”Mình đã phung phí quá nhiều cho việc mua sắm quần áo”. Cái áo sơ mi mới mua gần đây nhất là hôm tôi làm lễ cưới.
Không mua nhiều quần áo, tôi không phải lo cất đồ, tủ đồ ngăn nắp gọn gàng. Tôi không chỉ tiết kiệm được tiền mà không gian sống xung quanh tôi rộng hơn.
Ví dụ 2: Tuần hai bữa nhậu.
Ngày trước, Tôi đi nhậu với mấy anh em hai lần/tuần. Hễ tuần nào không uống, không ngồi nói chuyện với nhau cảm thấy đời hơi nhạt. Cốc bia tươi giải nhiệt cuộc sống, chén rượu cay giải sầu cuộc đời.
Ngày gặp khó khăn, phải lao đầu vào làm đã giúp tôi nhận ra cốc nước mía giải nhiệt tốt hơn cốc bia. Tôi cũng không có thời gian để nghĩ đến U với Sầu, nếu có thì tìm được dăm ba chuyện vui, cười lên cái cho khi thế cuộc đời.
2. Tiết kiệm khoa học và thông minh.
Ranh giới tiết kiệm và hà tiện rất mong manh. Nếu chúng ta áp dụng thái quá sẽ làm giảm chất lượng cuộc sống, thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần. Do vậy, tiết kiệm phải thực hiện khoa học và thông minh.
Tiết kiệm là giảm bớt số tiền chi tiêu ở các hoat động trong cuộc sống. Chúng ta liệt kê danh mục chi tiêu và điều chỉnh các khoản chi tiêu về mức vừa và đủ so với công việc, thu nhập và môi trường sống. Do vậy, Trước khi chúng ta mua sắm/chi tiêu hãy đặt câu hỏi là ‘’Quyết định mua/chi tiêu đã vừa đủ với cuộc sống của mình chưa?’’ và ta luôn đặt tâm thế vào các lựa chọn tối ưu nhất.
Ví dụ về việc giảm bớt:
Ví dụ 1: Đổi Cafe quán thành cafe văn phòng
Tôi có thói quen mua một loại đồ uống trên đường đi làm (thường là café). Điều này rất cần thiết vì nó làm cho tôi tỉnh táo hơn trong công việc. Tôi đã cắt giảm chi tiêu bằng cách tự pha đồ uống tại văn phòng. Ban đầu thì thấy hơi khó chịu vì tôi không được thưởng thức hương vị thơm nồng và mất đi cái góc nhìn quen thuộc. Nhưng rồi tôt nhận ra mình có tài pha chế và cửa sổ văn phòng mình đẹp hơn trước.
Ví dụ 2: Nhậu quán thành nhậu nhà
Ngày trước, Mấy anh bạn quen cũ và quen mới đều gọi nhau ra quán quen. Hương vị nhậu, tầm nhìn của quán đã được sàng lọc qua nhiều trận nhậu. Mỗi mùa, mỗi thời tiết anh em có những lựa chọn khác nhau. Rồi khi ra quán, anh em chọn món ngon nhất, hợp vị nhất rồi thưởng thức cùng nhau. Rượu ngon, bạn hiền phải thêm đồ nhắm chuẩn. Thế nên lướt qua hàng bia ngon, ta sẽ thấy thấp thoáng những cái bụng phệ.
Hôm nay, nhậu mình gọi bạn về nhà. Vợ chuẩn bị ít rượu quê, và mình không thích loại rượu mạnh. Rượu chỉ tầm 15 độ phê trở lại, bạn bè có uống thì nói chuyện được lâu. Đô phê cao quá thành ra nhiều cái dở.
Đồ nhắm ở nhà cũng nhiều cái thú đơn giản mà hay: con cá chỉ vàng, đĩa lạc luộc là tâm sự cả đêm chuyện vui, chuyện buồn.
Nhậu quán và nhậu nhà có nhiều điểm tốt xấu, có khi ta cũng phải ra quán để kích cầu nền kinh tế và thúc đẩy ngành công nghiệp sản xuất cồn phát triển. Nhưng ở nhà tiết kiệm và an toàn, nhậu quán say đi xe về nhà nhiều cái dở tệ.
3. Xây dựng khoản tiết kiệm cho những việc khẩn cấp.
Điều đầu tiên và có thể là quan trọng nhất của những mục tiêu tiết kiệm là chúng ta cần cân nhắc xây dựng một quỹ dự phòng khẩn cấp. Chúng ta sẽ không thể đoán được ngày mai sẽ xảy ra như thế nào? Một trường hợp tài chính khẩn cấp hình thành từ những việc như: mất công việc hiện tại, chi phí y tế, sửa nhà hoặc ô tô,…. hoặc những thứ không thể nghĩ đến là: một cơn bão, dịch bệnh,… Chúng ta không muốn dựa trên thẻ tín dụng với mức lãi suất khổng lồ hoặc buộc phải đi vay tiền hoặc nhận một khoản nợ. Quỹ dự phòng khẩn cấp sẽ có ích rất nhiều, giúp bạn vượt qua những biến cố.
Giá trị cho một tài khoản tiết kiệm khẩn cấp là đủ tiền mặt có sẵn để đảm bảo cho chi phí sinh hoạt từ 3-6 tháng, hoặc chúng ta có thể bắt đầu với từng con số cố định 10.000.000đ/lần.
4. Tiết kiệm mở rộng.
Tiết kiệm tài chính là một việc làm rất tốt. Trong cuộc sống có nhiều thứ giúp ta rèn luyện tiết kiệm và nên tiết kiệm như tài chính là:
- Tiết kiệm thời gian là loại bỏ công việc vô ích: lướt facebook quá nhiều, xem video, game quá mức giải trí,… giành thời gian đó cho việc lợi ích hơn.
- Tiết kiệm sức khỏe là duy trì lối sống tốt và sinh hoạt khoa học.
- Tiết kiệm công đức là chia sẻ và cho đi những điều tốt đẹp và có ý nghĩa với mọi người xung quanh.
Ngoài thực hành tiết kiệm chúng ta cần nghĩ cách và thực hiện việc gia tăng thu nhập, đầu tư hiệu quả để hoàn thành các mục tiêu tài chính và ước mơ trong cuộc đời.
Chúc các bạn thành công.
Nguyễn Quảng Thịnh – Phân tích và Tư vấn Chứng khoán
Điện thoại / Zalo / Viber: 0904679589
Facebook: vừa và đủ
Email: thinh.nquang1@gmail.com