Quản lý tài chính và cách quản lý tài chính hiệu quả

Quản lý tài chính cho phép chúng ta đưa ra quyết định tài chính thuận lợi và đúng đắn, để khai thác tài sản và sử dụng thu nhập trong tương lai hợp lý và hiệu quả. Điều này đảm bảo cho kế hoạch tài chính của chúng ta được thực hiện đúng và đầy đủ.

1. Quản lý tài chính là gì?

Để tìm hiểu định nghĩa quản lý tài chính là gì? Và các định nghĩa liên quan, chúng ta tìm hiểu tại đây

2. Tầm quan trọng của Quản lý tài chính

Quản lý tài chính giúp chúng ta xác định được cơ cấu tài sản/nợ và tình trạng tài chính hiện tại.

Quản lý tài chính giúp chúng ta thấy được dòng tiền từ thu nhập và chi tiêu hàng tháng. Từ đó, tối đa hóa được thu nhập và cắt giảm các khoản chi tiêu không hợp lý.

Quản lý tài chính giúp chúng ta xác định được tính khả thi của kế hoạch tài chính.

Quản lý tài chính giúp chúng ta điều chỉnh thu nhập, chi tiêu và đầu tư để thực hiện kế hoạch tài chính và hoàn thành những ước mơ đang ấp ủ.

3. Các bước thực hiện quản lý tài chính.

Quản lý tài chính là việc sử dụng các nguồn thu nhập và tài sản hiện có vào việc chi tiêu, tiết kiệm và đầu tư để thực hiện được kế hoạch tài chính.

Bước 1: Xây dựng bảng Tài sản và nợ

Công việc đầu tiên của việc quản lý tài chính là phải xác định được mình đang ở đâu, do đó chúng ta cần giành thời gian suy nghĩ và liệt kê thành bảng các tài sản và nợ mà mình đang sở hữu. Điều này giúp bạn xác định tình trạng tài chính hiện tại của bạn đang ở trạng thái nào.

Có rất nhiều phương pháp để thống kê tài sản khác nhau, dựa vào tính chất của các loại tài sản chúng ta có thể phân loại các Tài sản và nợ phải trả như sau:

Lưu ý: Nếu chúng ta góp vốn đầu tư vào mô hình kinh doanh (Quán café, cửa hàng quần áo, nhà hàng,…), hay lớn hơn là góp vốn vào xây dựng doanh nghiệp thì khi liệt kê tài sản, ta không nên cộng Tài sản/nợ phải trả của doanh nghiệp vào trong tài sản của cá nhân, hãy để nó là 1 khoản đầu tư trực tiếp. Hàng năm nếu doanh nghiệp hoạt động có lợi nhuận tốt thì hãy trích 1 phần để trả lợi tức cho các cổ đông, làm như thế ta sẽ không bị chiếm dụng vốn của doanh nghiệp trong những lúc gặp khó khăn. Đồng thời, việc này sẽ giúp chúng ta giữ lại lợi nhuận để mở rộng doanh nghiệp hay mô hình kinh doanh. Nếu chúng ta đang là 1 trong những thành viên quản lý, hãy tách thu nhập của mô hình kinh doanh hoặc doanh nghiệp ra khỏi thu nhập của bản thân, bằng cách xác định 1 khoản lương tương xứng với những gì mình đang đóng góp.

Tài sản ròng = Tổng tài sản – Tổng các khoản nợ

  • Tài sản ròng > 0 chúng ta đang có tình hình tài chính tốt, chỉ cần tiếp tục phát huy và cải thiện khả năng tích lũy tài sản. Chúng ta sẽ sớm hoàn thành các mục tiêu trong bản kế hoạch tài chính.
  • Tài sản ròng < 0 chúng ta đang có tình hình tài chính yếu, lúc này cần điều chỉnh lại các khoản chi tiêu, đồng thời gia tăng thu nhập để sớm trả hết các khoản nợ.

Khi bạn xác định được tài sản ròng bạn có thể thấy được mình đang cách mục tiêu bao xa.

Bước 2: Liệt kê các khoản thu nhập

Thu nhập (Dòng tiền vào) là các khoản tiền chúng ta thu được thông qua lao động và đầu tư. Thu nhập có thể phân loại thành thu nhập thường xuyên và thu nhập không thường xuyên.

Thu nhập thường xuyên là các khoản thu nhập hàng kỳ như: Tiền lương, tiền cho thuê tài sản (nhà, xe), tiền trợ cấp xã hội, trợ cấp của gia đình, lãi đều hàng kỳ từ các khoản cho vay…

Thu nhập không thường xuyên là các khoản thu nhập không có tính chu kỳ: Tiền thanh lý tài sản, thu nhập thực hiện dự án, các khoản thưởng bất ngờ, nhận cho tặng hoặc thừa kế,…

Sau khi liệt kê lại các khoản thu nhập, chúng ta hãy rà soạt lại các tài sản và công việc hiện tại, để tìm cách nâng cao thu nhập.

Bước 3: Liệt kê các khoản chi tiêu

Chi tiêu (Dòng tiền ra) là các khoản tiền chúng ta chi ra để sử dụng cho cuộc sống, chi tiêu có thể chia thành 2 loại là chi tiêu thường xuyên và chi tiêu không thường xuyên.

Chi tiêu thường xuyên là các khoản chi tiêu hàng kỳ, các khoản này chủ yếu phục vụ cuộc sống hàng ngày của chúng ta: Tiền nhà, tiền ăn, tiền điện thoại, tiền xăng xe hay phương tiện đi lại, Tiền học phí của con,…

Chi tiêu không thường xuyên là các khoản chi tiêu không định kỳ và thường mang tính bất ngờ: Tiền thăm hỏi người thân, tiền cưới và sinh nhật bạn bè, tiền đi du lịch, tiền mua sắm quần áo và vật dụng gia đình,…

Sau khi liệt kê lại các khoản chi tiêu, chúng ta hãy xem xét về tính hợp lý của các khoản chi tiêu, đồng thời ta soát lại các khoản chi tiêu. Nếu chưa hãy loại bỏ các khoản chi tiêu không cần thiết và giảm bớt các khoản chi tiêu.

Sau khi làm 3 bước trên, chúng ta sẽ thấy được rõ ràng bức tranh tài chính hiện tại của bản thân. Nếu nhìn vào kế hoạch tài chính ta sẽ dễ dàng thấy được tính khả thi của kế hoạch tài chính.

Bước 4. Điều chỉnh

Dòng tiền tích lũy = Thu Nhập (dòng tiền vào) – chi tiêu (dòng tiền ra)

Dòng tiền tích lũy < 0, chúng ta phải tìm cách cắt giảm chi tiêu, hãy bắt đầu bằng các cách sau:

  • Loại bỏ các khoản chi tiêu không cần thiết (Mua sắm quần áo, thẻ tập gym nhưng không dùng đến, tiệc tùng quá nhiều,…),
  • Cắt giảm các khoản chi tiêu thường xuyên về mức hợp lý như chuyển từ căn hộ cao cấp sang căn chung cư bình dân để phù hợp với mức thu nhập; thay bằng việc mua và uống Coffee tại cửa hàng, bạn có thể mua hạt cà phê rang xay về văn phòng để tự pha theo ý thích; thay vì ăn uống ngoài nhà hàng, bạn về ăn cơm với gia đình…

Thay đổi chi tiêu chính là thay đổi thói quen, nên khi chúng ta bắt đầu sẽ tạo cảm giác khó chịu, chúng ta đều muốn ăn ở nhà hàng ngon và ngại nấu cơm ở nhà, thưởng thức 1 cốc coffee ở cửa hàng sẽ tuyệt hơn nhiều khi phải tự mình pha và ngồi uống ở văn phòng, tiệc tùng với bạn bè làm ta thấy vui hơn… Thay đổi cách thức chi tiêu là thay đổi thói quen, giống như việc hình thành các thói quen tốt. Nhưng sau khi thực hiện 1 thời gian, chúng ta sẽ thấy cuộc sống và tài chính của mình được cải thiện hơn nhiều.

Dòng tiền tích lũy > 0, chúng ta có thể suy nghĩ về các mục tiêu tài chính như: Mua nhà, mua xe, tham gia một khóa học để nâng cao kỹ năng, đi du lịch nước ngoài,…

Nếu ngày 1/1/2021, mục tiêu của chúng ta muốn mua căn nhà 1.200.000.000đ cho gia đình vào cuối năm 2021. Tài sản ròng hiện tại của chúng có khoảng 500 triệu, hàng tháng dòng tiền tích lũy 20 triệu/tháng. Như vậy đến cuối năm thì tài sản ròng của chúng ta sẽ có là: 500 + 20*12 = 740 triệu đồng (thiếu 460 triệu so với mục tiêu). Như vậy đến cuối năm để mua căn nhà bạn mơ ước thì bạn cần đi vay 460 triệu đồng.

Hoặc chúng ta chỉ muốn vay tối đa 300 triệu. Như vậy, chúng ta cần đầu tư để gia tăng giá trị tài sản hiện có và dòng tiền tích lũy để có thể hoàn thành kế hoạch.

Bước 5: Đầu tư.

Đầu tư là bạn hy sinh nguồn lực ở hiện tại để thu được nhiều hơn trong tương lai. Đầu tư có 2 dạng là đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp.

  • Đầu tư trực tiếp là bạn bỏ vốn vào đầu tư và tham gia quản lý hoạt động kinh doanh. Theo quy định bạn sẽ phải đầu tư hơn 30% vốn chủ sở hữu mới được tham gia vào đầu tư trực tiếp.
  • Đầu tư gián tiếp là bạn bỏ vốn vào đầu tư và không tham gia quản lý.

Đầu tư chứng khoán là một dạng của đầu tư gián tiếp. Chúng ta có thể tham gia đầu tư chứng khoán rất đơn giản bằng cách mở một tài khoản giao dịch chứng khoán. Tuy nhiên, để đầu tư có lợi nhuận tốt thì cần phải có kiến thức và kinh nghiệm đầu tư.

Bước 6: Theo dõi, giám sát và điều chỉnh lại.

Chúng ta cần theo dõi các khoản thu nhập và chi tiêu hàng kỳ, nếu không sẽ rất dễ dàng bị cám dỗ và chi tiêu quá thu nhập. Điều đó làm mất cân đối tài chính và đẩy chúng ta ra xa khỏi các mục tiêu tài chính.

Nếu gặp phải các biến cố không may ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của chúng ta như: Ốm bệnh, mất mát tài sản, dịch bệnh làm ảnh hưởng đến thu nhập,… Lúc này, chúng ta cần điều chỉnh kế hoạch cho hợp lý với hoàn cảnh.

Chúc các bạn thành công.

Nguyễn Quảng Thịnh – Phân tích và Tư vấn Chứng khoán
Điện thoại / Zalo / Viber: 0904679589
Facebook: vừa và đủ
Email: thinh.nquang1@gmail.com

You may also like