Tham gia đầu tư chứng khoán rất đơn giản, chúng ta chỉ cần mở 1 tài khoản chứng khoán tại Công ty chứng khoán bất kỳ. Cũng như ngành ngân hàng thì các công ty chứng khoán luôn chào đón chúng ta như những vị thượng đế đến mở tài khoản, nhưng để đầu tư có lãi tốt thì không dễ dàng. Theo một số nhà đầu tư chứng khoán, chuyên gia nổi tiếng và một số sách chứng khoán thì có khoảng 95% người đầu tư chứng khoán bị thua lỗ (Con số thống kê chưa được kiểm chứng).
Những năm 2006 – 2007, đại đa số nhà đầu tư chứng khoán đều có lãi, mọi người cùng rủ nhau đầu tư. Quyết định đầu tư đa phần dựa vào tin đồn, tin tức, lời khuyên bạn bè, môi giới chứng khoán và các chuyên gia phân tích (Các bạn có thể tìm hiểu về chuyên gia Quách Mạnh Hào). Các cuốn sách và tài liệu về phân tích kỹ thuật, phân tích doanh nghiệp chuyên sâu rất ít. Do vậy, rất khó cho nhà đầu tư tiếp cận với kiến thức về đầu tư chứng khoán.
Hiện nay, sự phát triển internet, đặc biệt là các trang mạng xã hội và chia sẻ như: Facebook, zalo, youtube, diễn đàn, group… giúp nhà đầu tư dễ dàng tìm kiếm thông tin hơn. Nhưng chính sự quá dễ dàng này dẫn đến tình trạng loạn thông tin. Nếu chúng ta tìm kiến trên trên các trang mạng thì sẽ tìm thấy vô vàn kết quả về “Đầu tư chứng khoán”, “Chia sẻ kiến thức”, “Phân tích thị trường”, “Phân tích cổ phiếu”, “nhận định thị trường”… Do vậy, cái khó của nhà đầu tư lúc này là tìm kiếm được kiến thức và thông tin chuẩn về đầu tư chứng khoán.
Đặc biệt khi chúng ta hỏi “Mua cổ phiếu của doanh nghiệp nào?” thì chúng ta sẽ nhận được vô vàn câu trả lời khác nhau từ người mới tham gia đầu tư chứng khoán đến các chuyên gia cao cấp vì thậm chí ngay các chuyên gia cũng có hướng nhìn, quan điểm khác nhau. Cho nên ta sẽ không biết nghe theo ai và tin tưởng vào ai. Bản thân mình cũng đã từng như vậy, mình đi tìm cơ hội từ người khác, đôi khi mình có lãi, nhưng cũng có lúc mình lỗ. Nhưng khi ấy, mình luôn trong tâm trạng lo lắng và hoang mang.
Sau đó mình quyết tâm nghiên cứu, tự học hỏi kiến thức. Mình mua những cuốn sách phân tích chứng khoán nổi tiếng và tìm hiểu về các nhà đầu tư thành công mà mình ấn tượng như: Warren Buffett, Livermore. Sau đó mình dùng kiến thức đó áp dụng phân tích các cổ phiếu tốt và cổ phiếu xấu để rút ra bài học cho bản thân, mà quan trọng hơn là tích cực học hỏi từ bạn bè xung quanh. Ban đầu những điều này chưa giúp mình có lãi ngay, nhưng nó giúp mình bớt lỗ dần, từ lỗ lớn thành lỗ nhỏ, sau đó dần dần không lỗ và có lãi. Do vậy, mình luôn cố gắng dành thời gian để luyện tập và học hỏi thêm mỗi ngày. Hiện tại, mức lãi của mình là vừa đủ và điều này luôn khiến mình cố gắng chi tiêu hợp lý để có thêm vốn để đầu tư. Nó giống như mình tập thể thao, luyện tập có phương pháp và chăm chỉ thì sẽ tiến bộ mỗi ngày.
Bạn có thể trở thành nhà phân tích độc lập bằng sự học hỏi, quan sát và rèn luyện. Nếu bạn muốn đầu tư được 1 cổ phiếu tăng mạnh và tránh được cổ phiếu giảm mạnh, thì phải hiểu được đặc điểm của các cổ phiếu đó như thế nào, hình thành tư duy và phương pháp đầu tư đúng. Đồng thời, tích cực và chăm chỉ rèn luyện mỗi ngày để nâng cao kỹ năng và kinh nghiệm giao dịch chứng khoán.
Giống như bài học về Cây Sưa mình đã viết, để Cây vươn lên cao lớn và vươn nhiều cành rộng thì rễ cây phải đâm sâu xuống lòng đất cứng rắn và tối tăm. Chúng ta muốn có lãi lớn và tài sản tốt từ đầu tư chứng khoán thì phải nắm được tư duy và phương đầu tư chứng khoán mà đằng sau đó là cả một sự nỗ lực chăm chỉ rèn luyện mỗi ngày.
Tuy nhiên, Đầu tư chứng khoán không khó nhưng chúng ta nghĩ, nếu chịu khó quan sát thì cổ phiếu tốt luôn ở quanh ta.
Dưới đây là một ví dụ về cách đầu tư của mình:
Vợ chồng mình thỉnh thoảng đi ăn ở nhà hàng và uống nước ở quán café, mình thấy rằng 1 số nơi sử dụng điều hòa Nakagawa, mình có nói chuyện này với vợ. Ngay sau đó, khi mở điện thoại, máy tính ra, thì quảng cáo google hiện toàn Nakagawa (NAG). Mình liền tìm hiểu sâu hơn về doanh nghiệp – Công ty cổ phần tập đoàn Nakagawa này và nhận thấy rằng hoạt động của doanh nghiệp ổn định. Tuy sản phẩm của NAG không thế cạnh trạnh với các hãng thương hiệu nổi tiếng như Daikin, Panasonic, LG,… nhưng giá cả của NAG phù hợp với phân khúc khách hàng bình dân. Đặc biệt là giá của cổ phiếu NAG hợp lý so với tài sản và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp tại thời điểm hiện tại.
Nếu Công ty cổ phần tập đoàn Nakagawa vẫn duy trì được hoạt động như hiện tại và có thể cải thiện tốt hơn thì thời điểm đầu tháng 3/2020, mua NAG giá 6.000đ/CP sẽ là 1 khoản đầu tư tốt cho tương lai.
Chúc các bạn thành công.
Nguyễn Quảng Thịnh – Phân tích và Tư vấn Chứng khoán
Điện thoại / Zalo / Viber: 0904679589
Facebook: vừa và đủ
Email: thinh.nquang1@gmail.com