Bảng cân đối kế toán là một phần quan trọng trong báo cáo cáo tài chính, phản ánh giá trị và kết cấu tài sản/nguồn vốn của doanh nghiệp. Bộ tài chính đã tiến hành 3 lần thay đổi quy định hạch toán trong bảng cân đối kế toán, các quy định về hạch toán trở nên hoàn thiện hơn và phù hợp với chuẩn mực kế toán quốc tế.
- Năm 2000: Quyết định 167/2000/QĐ-BTC về chế độ báo cáo tài chính doanh nghiệp
- Năm 2006: Quyết định 15/2006/QĐ-BTC về chế độ kế toán doanh nghiệp
- Năm 2014: Thông tư 200/2014/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp
Các công ty niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán đều phải công bố thông tin quan trọng. Cụ thể, căn cứ theo Thông tư 96/2020/TT-BTC về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, công ty phải công bố báo cáo tài chính hàng kỳ trên trang chủ của doanh nghiệp, báo điện tử kinh tế như: Cafef.vn, vietstock.vn, v.v…
- Báo cáo tài chính quý phải được công bố trong thời gian không quá 30 ngày kể từ ngày kết thúc quý.
- Báo cáo tài chính bán niên (6 tháng/lần) phải được kiểm toán (soát xét), và được công bố trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày kiểm toán xong, Công ty có thể gia hạn nhưng không quá 60 ngày.
1. Thành phần của bảng cân đối kế toán
Bảng cân đối kế toán được chia làm 2 phần cân bằng với nhau là tài sản và nguồn vốn.
1.1. Tài sản.
Tài sản là tất cả các vật có giá trị bằng tiền và tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, bao gồm: Tài sản ngắn hạn, tài sản dài hạn.
- Tài sản ngắn hạn là tài sản có chu kỳ thu hồi và sử dụng dưới 12 tháng, bao gồm: Tiền, các khoản tương đương tiền, các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn, các khoản phải thu ngắn hạn, hàng tồn kho và tài sản ngắn hạn khác.
- Tài sản dài hạn là tài sản có chu kỳ thu hồi và sử dụng trên 12 tháng, bao gồm: Các khoản phải thu dài hạn, tài sản cố định, bất động sản đầu tư, các khoản đầu tư tài chính dài hạn và tài sản dài hạn khác.
Chi tiết về các nguyên tắc kế toán và phương pháp hạch toán của các khoản mục tài sản có thể tham khảo tại: Thông tư 200/2014/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp.
1.2. Nguồn vốn
Nguồn vốn là nguồn tiền để chi cho các tài sản của doanh nghiệp, hiểu đơn giản là nguồn tiền để tạo ra tài sản. Nguồn vốn bao gồm “Nợ phải trả” và “Vốn chủ sở hữu”.
Nợ phải trả là các khoản nợ mà doanh nghiệp phải thanh toán, bao gồm: Nợ ngắn hạn và nợ dài hạn.
- Nợ ngắn hạn là các khoản nợ dưới 12 tháng.
- Nợ dài hạn là các khoản nợ trên 12 tháng.
Vốn chủ sở hữu là phần vốn của người chủ sở hữu công ty, có nhiều khoản mục trong vốn chủ sở hữu. Chúng ta tham khảo chi tiết về các nguyên tắc kế toán và phương pháp hạch toán của các khoản mục trong phần nguồn vốn tại: Thông tư 200/2014/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp.
2. Tác dụng của bảng cân đối kế toán
- Bảng cân đối kế toán cho biết tình trạng tài sản và nguồn vốn của doanh nghiệp tại thời điểm báo cáo.
- Định hướng phát triển kinh doanh của doanh nghiệp trong quá khứ và dự báo xu hướng phát triển trong tương lai.
- Tình hình tài chính và khả năng thanh toán nợ của doanh nghiệp.
3. Phân tích tài sản – nguồn vốn
3.1. Tình trạng tài sản và nguồn vốn tại thời điểm báo cáo
Bảng cân đối kế toán thể hiện rõ ràng các khoản mục tài sản của doanh nghiệp, đặc biệt các khoản mục nào có giá trị lớn và quan trọng sẽ được cụ thể trong thuyết minh báo cáo tài chính. Từ đó ta sẽ thấy được tài sản của doanh nghiệp được tập trung ở đâu và chất lượng như thế nào.
3.1.1. Phân tích các khoản mục tài sản bất thường.
Các khoản mục tài sản bất thường là dấu hiệu dễ nhận biết, khi chúng ta thấy được điều bất thường trên các khoản mục quan trọng không phù hợp với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thì hãy tìm hiểu rõ nguyên nhân. Nếu không hiểu được rõ thì không nên mua hoặc nắm giữ số lượng lớn cổ phiếu của doanh nghiệp đó ở mức giá cao, điều này có thể dẫn đến sai lầm nghiêm trọng.
Bài học thực tế: JVC có khoản tiền mặt bất thường, giá cổ phiếu giảm từ 2X.000đ/CP còn 2.X00 đ/CP
Đầu năm 2015, JVC công bố báo cáo tài chính năm 2014 của JVC có khoản ”tiền mặt” vượt lên hơn 400 tỷ nhưng không được giải trình rõ ràng, điều này rất bất thường.
Đến tháng 6 năm 2015, giá cổ phiếu JVC giảm từ 2X.000đ/Cp về giá 5.X00đ/CP và thấp nhất là 2.X00đ/CP.
Bài học thực tế: TTF có lượng tồn kho quá lớn, giá cổ phiếu giảm từ 4X.000đ/CP còn 2.X00 đ/CP
Năm 2014 và 2015, TTF có ”hàng tồn kho” với giá trị hơn 2.000 tỷ, thậm chí lượng hàng tồn kho này đang được thế chấp tại các ngân hàng để đảm bảo cho các khoản vay ngắn hạn.
Đến tháng 6/2016, thông tin về lượng hàng tồn kho của TTF đã bị hao hụt và không tồn tại, TTF đã phải ghi nhận khoản lỗ hơn 1000 tỷ. Trong 3 tháng 7, 8 ,9 tiếp theo, giá cổ phiếu TTF giảm mạnh từ 4x.000đ/CP về 8.X00đ/CP và đến năm 2019 chỉ còn 2.000đ/CP – 3.000đ/CP.
3.1.2. Các khoản nợ ngân hàng liên tục gia tăng và lớn hơn nhiều so với vốn chủ sở hữu.
Bài học TTF cũng cho chúng ta thấy doanh nghiệp hoạt động kinh doanh có dấu hiệu bất thường. Báo cáo tài chính của TTF năm 2014 và 2015 cho thấy hoạt động kinh doanh vẫn tăng trưởng và lợi nhuận rất tốt. Cổ phiếu TTF tăng mạnh từ tháng 6/2015 – tháng 6/2016, giá tăng từ 10.000đ/CP lên 40.000đ/CP.
Tuy nhiên, trong BCTC năm 2015 của TTF cho thấy các khoản nợ phải trả tăng, đặc biệt các khoản nợ ngân hàng luôn ở mức cao. Doanh nghiệp hoạt động kinh doanh hiệu quả thì sẽ có tiền để trả nợ – cải thiện tình hình tài chính nhưng nợ vay của TTF luôn duy trì ở mức cao so với tổng nguồn vốn, đây là điều không hợp lý.
Sau đó đến tháng 9/2016, thông tin TTF không có lượng hàng tồn kho được xác thực, giá cổ phiếu chỉ còn 8.000đ/CP. Nhưng điều tệ hại hơn là trong liên tiếp 3 tháng 7, 8 ,9 giá cổ phiếu TTF giảm từ 40 về 8 mà không hề có thanh khoản, nhiều người nắm giữ TTF giá 4x mong muốn cắt lỗ từ giá 20 – 30 không thực hiện được. Những ai không kịp nhận ra dấu hiệu rủi ro của TTF đã nhận được bài học cay đắng, nhiều người chán nản và phải bán TTF chịu lỗ tại vùng giá 5.000đ/CP – 7.000đ/CP. Đến năm 2019, giá cổ phiếu TTF chỉ còn 2.000đ/CP – 3.000đ/CP.
Chúng ta có thể tìm thấy rất nhiều doanh nghiệp chìm đắm trong cảnh nợ nần, giá cổ phiếu giảm thảm khốc. Điển hình như một số doanh nghiệp sau:
- Các công ty trong Tập đoàn Sông Đà: SD3 giảm từ 4X.000đ/CP còn 1.X00đ/CP, SDH giảm từ 7X.000đ/CP còn 500 đồng/CP,v.v…
- Hoàng anh Gia Lai: HAG giảm từ 4X.000đ/CP còn 4.X00đ/CP,…
3.1.3. Phân tích tài sản, nguồn vốn để thấy được sự cân đối giữa các khoản mục.
Các khoản phải thu quá lớn và có dấu hiệu gia tăng, làm cho doanh nghiệp không quay vòng vốn và thiếu tiền để duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh như: Mua nguyên vật liệu, trả lương công nhân, sửa chữa vào bảo trì trang thiết bị… Khi đó doanh nghiệp phải đi vay nợ để bù đắp cho các hoạt động trên.
Nếu điều này tiếp tục tiếp diễn, hoạt động doanh nghiệp yếu dần đi và dẫn tới thua lỗ. Đồng thời, Doanh nghiệp không thu hồi được các khoản phải thu thì sẽ phải ghi nhận là các khoản phải thu khó đòi, doanh nghiệp mất 1 phần tài sản và nguồn vốn chủ sở hữu bị giảm 1 khoản tương đương.
Bài học thực tế: SD3 có các khoản phải thu lớn, giá cổ phiếu giảm từ 2X.000 đ/CP còn 1.X00 đ/CP
Từ năm 2015 đến năm 2020, SD3 có các khoản phải thu lớn ở các dự án thủy điện mà không có khả năng thu hồi. Điều này, ảnh hưởng lớn đến khả năng quay vòng vốn và hoạt động của doanh nghiệp. Công ty phải vay hơn 900 tỷ từ ngân hàng để tài trợ cho các hoạt động khác nhưng càng ngày càng bế tắc. Công ty mất khả năng trả nợ, giá cổ phiếu giảm từ 2X.000 đ/CP còn 1.X00 đ/CP.
3.2. Chiến lược phát triển kinh doanh của doanh nghiệp trong quá khứ và dự báo được xu hướng phát triển trong tương lai.
Mỗi doanh nghiệp đều có chiến lược phát triển riêng trong mỗi giai đoạn khác nhau.
- Chiến lược phát triển theo chiều sâu: Doanh nghiệp tập trung đầu tư vào tài sản dài hạn: máy móc thiết bị, công nghệ sản xuất, nguồn nhân lực,… nhằm tiết kiệm nguyên vật liệu, nâng cao năng suất và chất lượng của sản phẩm
- Chiến lược phát triển theo chiều rộng: Doanh nghiệp tập trung đẩy mạnh sản suất và tiêu thụ sản phẩm. Tài sản ngắn hạn: Hàng tồn kho, phải thu khách hàng, tiền mặt,… tăng.
Cả 2 xu hướng phát triển này có vẻ như tách rời nhưng thực tế có liên hệ mật thiết đến nhau.
- Phát triển theo chiều rộng để tạo ra nguồn lực để phát triển theo chiều sâu.
- Phát triển theo chiều sâu sẽ tạo ra sản phẩm mới, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Điều này làm cho doanh nghiệp có khả năng phát triển rộng và mạnh mẽ hơn.
Doanh nghiệp tăng trưởng dài hạn là doanh nghiệp thực hiện tốt hai chiến lược phát triển theo cả chiều rộng và chiều sâu.
Bài học thực tế: HPG kết hợp chiến lược phát triển theo chiều rộng và chiều sâu một cách vững chắc
Nhìn vào bảng trên ta thấy, Chiến lược phát triển của HPG rất bài bản và hiệu quả. HPG phát triển kinh doanh theo chiều rộng trong 2 năm liên tiếp sẽ chuyển sang tập trung nguồn lực phát triển theo chiều sâu để mở rộng nhà máy, nâng cao công nghệ và năng lực sản xuất,… Điều này làm cho HPG tăng trưởng bền vững kể từ năm 2005 đến năm 2021.
Năm 2007, HPG bắt đầu niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán, nếu đầu tư 100 triệu mua cổ phiếu HPG năm 2007 thì đến đầu năm 2021 sẽ thành 1.2 tỷ.
3.3. Tình hình tài chính và khả năng thanh toán nợ của doanh nghiệp
Tình hình tài chính của doanh nghiệp được đo lường bằng nhiều các chỉ tiêu phân tích khác nhau. Tuy nhiên, 2 chỉ số quan trọng chúng ta nên để ý là “chỉ số về đòn bẩy tài chính” và “chỉ tiêu khả năng thanh toán của doanh nghiệp”.
- Chỉ số đòn bẩy tài chính = Nợ phải trả/Vốn chủ sở hữu
- Chi tiêu thanh toán của doanh nghiệp = Tài sản ngắn hạn/(Nợ ngắn hạn+ nợ dài hạn đến hạn phải trả).
Bài học thực tế: VNM – một doanh nghiệp có tình hình tài chính vững mạnh
VNM là doanh nghiệp điển hình về tình hình tài chính vững mạnh và luôn đảm bảo khả năng thanh toán nợ trong giai đoạn khó khăn nhất của nền kinh tế.
Nhìn vào bảng trên ta thấy sự vững mạnh trong cơ cấu tài chính của VNM.
- Tỷ lệ đòn bẩy tài chính ở mức trung bình 30%, trong giai đoạn khó khăn của nền kinh tế 2011 – 2012 thì tỷ lệ này dưới 30%.
- Chỉ số khả năng thanh toán luôn lớn hơn 2 trong suốt giai đoạn 2006 – 2016. Có lẽ đây là 1 lý do mà cổ phiếu VNM luôn được các quỹ ngoại đầu tư và nắm giữ.
Năm 2006, VNM niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán,.Nếu đầu tư 100 triệu mua cổ phiếu VNM năm 2006, thì đến đầu năm 2021, ta sẽ được hơn 3 tỷ.
Thành công trong chứng khoán cũng giống như thành công trong nhiều lĩnh vực khác. Nhà đầu tư phải bỏ thời gian để học tập, nghiên cứu, phân tích và trải nghiệm thực tế. Khả năng phân tích doanh nghiệp được cải thiện dần, các quyết định đầu tư sẽ chính xác và hiệu quả hơn.
Chúc các bạn đầu tư thành công.
Nguyễn Quảng Thịnh – Phân tích và Tư vấn Chứng khoán
Điện thoại / Zalo / Viber: 0904679589
Facebook: vừa và đủ
Email: thinh.nquang1@gmail.com