Nguồn ảnh: carolineuniversity
Báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh (Báo cáo KQKD) là một phần quan trọng trong báo cáo tài chính, Báo cáo tổng hợp toàn bộ các hoạt động kinh doanh của doanh nghiêp thông qua việc thu và chi để từ đó thấy được kết quả hoạt động của doanh nghiệp trong một chu kỳ kinh doanh.
1. Thành phần của Báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh.
Báo cáo KQKD có 3 phần:
- Hoạt động kinh doanh chính
- Hoạt động khác
- Lợi nhuận
1.1. Hoạt động kinh doanh chính.
Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ phản ánh doanh thu của dịch vụ và hàng hoá được xác định là đã bán trong một kỳ kế toán của doanh nghiệp.
Các khoản giảm trừ doanh thu là các khoản chiết khấu thương mại, giảm giá dịch vụ và hàng hóa bị trả lại trong kỳ.
Giá vốn hàng bán phản ánh toàn bộ chi phí của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ đã bán trong kỳ, bao gồm: Chi phí mua hàng, Chi phí nguyên liệu, vật liệu trực tiếp, Chi phí nhân công trực tiếp, Chi phí sử dụng máy móc thiết bị, giá thành sản phẩm, chi phí nguyên vật liệu vượt trên mức trung bình, hao hụt và mất mát hàng tồn kho, dự phòng giảm giá hàng tồn kho,…
Doanh thu hoạt động tài chính bao gồm: các khoản tiền lãi cho vay/gửi tiết kiệm, cổ tức/lợi nhuận được chia, thu nhập về hoạt động đầu tư/mua bán chứng khoán ngắn hạn/dài hạn, lãi tỷ giá hối đoái.
Chi phí hoạt động tài chính bao gồm: Chi phí lãi vay, các khoản lỗ đầu tư chứng khoán ngắn/dài hạn, dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh, lỗ tỷ giá hối đoái.
Chi phí bán hàng là các khoản chi phí phát sinh trong quá trình bán sản phẩm và dịch vu, bao gồm: chi phí chào hàng, giới thiệu sản phẩm, quảng cáo sản phẩm, hoa hồng bán hàng, chi phí bảo hành sản phẩm,…
Chi phí quản lý doanh nghiệp là các khoản chi phí quản lý chung của doanh nghiệp, bao gồm các chi phí về lương nhân viên bộ phận quản lý doanh nghiệp (tiền lương, tiền công, các khoản phụ cấp,…); bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn, chi phí vật liệu văn phòng, công cụ lao động, khấu hao TSCĐ dùng cho quản lý doanh nghiệp; dự phòng phải thu khó đòi;…
Chúng ta có thể tìm hiểu chi tiết về nguyên tắc kế toán và phương pháp hạch toán của các khoản mục tại: Thông tư 200/2014/TT-BCT hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp.
1.2. Hoạt động khác.
Hoạt động khác là khoản thu nhập và chi phí khác ngoài hoạt động sản xuất, kinh doanh chính của doanh nghiệp, bao gồm:
- Nhượng bán, thanh lý TSCĐ
- Bán và thuê lại tài sản
- Vi phạm hợp đồng kinh tế, phạt hành chính
- Xử lý các khoán nợ khó đòi
- Thưởng, quà tặng bằng tiền hoặc hiện vật
1.3. Xác định kết quả hoạt động kinh doanh.
Xác định kết quả hoạt động kinh doanh là phần được nhiều người quan tâm khi xem báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Phần này thế hiện lợi nhuận doanh nghiệp trong kỳ kinh doanh, bao gồm:
- Lợi nhuận trước thuế
- Thuế thu nhập doanh nghiệp
- Lợi nhuận sau thuế
- Lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ
- lợi nhuận sau thuế của cổ đông không kiểm soát
Chúng ta có thể tìm hiểu chi tiết về nguyên tắc kế toán và phương pháp hạch toán của các khoản mục tại: Thông tư 200/2014/TT-BCT hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp.
2. Phân tích kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh.
2.1. Loại bỏ các khoản thu nhập bất thường ra khỏi BCTC
Các khoản thu nhập bất thường không đến từ hoạt động kinh doanh chính của doanh nghiệp. Các khoản thu này đến từ những hoạt động khác nhau như:
- Thanh lý các khoản đầu tư tài chính
- Thanh lý công ty con
- Bán tài sản cố định và bất động sản
- Lãi tỷ giá hối đoái
- Giảm thuế TNDN
- Bồi thường vi phạm hợp đồng
- …
Các khoản thu nhập này bổ sung nguồn lực cho hoạt động phát triển kinh doanh của doanh nghiệp, tạo điều kiện cho danh nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.
2.1.1. Thanh lý công ty con
Thanh lý công ty con giúp doanh nghiệp có nguồn lực để tập trung cho các hoạt động kinh doanh cốt lõi. Nhiều doanh nghiệp đầu tư dàn trải vào nhiều lĩnh vực làm cho hoạt động quản lý kém hiệu quả, loại bỏ các công ty con không hiệu quả là việc làm cần thiết để doanh nghiệp phát triển tốt hơn.
Trường hợp thực tế 1: OGC bán công ty con để cơ cấu doanh nghiệp
Đầu năm 2018, OGC đã bán toàn bộ cổ phiếu tại Công ty CP chứng khoán đại dương thu về 300 tỷ, khoản tiền này đã bổ sung nguồn tiền để doanh nghiệp tập trung cho các hoạt động kinh doanh chính hiệu quả hơn.
Từ năm 2018 trở đi, hoạt động kinh doanh của OGC được cải thiện rõ rệt. Giá cổ phiếu OGC tăng từ 2.000đ/Cp lên 7.000đ/CP (đầu năm 2021).
2.1.2. Thanh lý tài sản cố định và bất động sản.
Tương tự như các khoản thu nhập bất thường khác, Thanh lý tài sản cố định và bất động sản đem lại nguồn lực bổ sung cho hoạt động phát triển kinh doanh. Ngoài ra, Thanh lý tài sản không cần thiết làm giảm chi phí bảo dưỡng, chi phí khấu hao và chi phí quản lý tài sản làm cho hiệu quả kinh doanh tốt hơn.
Trường hợp thực tế 2: VIP bán tài sản cố định là tàu biển cũ để đầu tư tàu mới
Đầu năm 2020, VIP bán TSCĐ là tàu biển nhằm trẻ hóa đội tàu vận chuyển, nhằm nâng cao khả năng hoạt động và hiệu quả vận tải của doanh nghiệp.
Cuối năm 2020, VIP thông báo đầu giá 2 BĐS lớn của công ty tại Trung tâm thành phố Hải Phòng để tập trung đầu tư và phát triển kinh doanh.
Trong 1 năm từ đầu năm 2020 đến đầu năm 2021, giá cổ phiếu VIP tăng từ 4.000 đ/CP lên 8.000đ/CP.
2.1.3. Các khoản thu nhập từ đầu tư chứng khoán.
Giai đoạn bùng nổ kinh tế năm 2006 – 2007, thị trường chứng khoán là nơi thu hút rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Thậm chí, Các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán cũng tham gia vào hoạt động đầu tư chứng khoán. Sự tham gia theo làn sóng đầu cơ đã thổi quả bong bóng ngày càng to hơn, chính điều này góp phần tạo nên sụp đổ của chứng khoán năm 2008.
Trường hợp thực tế 3: SVC đầu tư chứng khoán năm 2007
Công ty quá tập trung cho hoạt động đầu tư chứng khoán mà thiếu quan tâm hoạt động kinh doanh chính là dấu hiệu của rủi ro. Doanh nghiệp sẽ phát triển bền vững hơn nếu lãnh đạo doanh nghiệp tập trung nguồn lực và tâm huyết cho phát triển sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh, mở rộng quy mô và thị phần của doanh nghiệp.
Nếu chúng ta đọc các BCTC của các doanh nghiệp niêm yết năm 2006 – 2008 thì có nhiều doanh nghiệp đầu tư chứng khoán như SVC. Khi thị trường chứng khoán giảm mạnh đã gây ra tổn thất nặng nề. Ngày nay, Các công ty niêm yết đã rút ra bài học này, có rất ít các doanh nghiệp tham gia vào đầu tư chứng khoán.
Tuy nhiên, một số công ty thực hiện tốt hoạt động đầu tư chứng khoán, khoản đầu tư chứng khoán chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tài sản. Đầu năm 2020, MHC có khoản đầu tư tài chính hơn 400 tỷ, giá trị bằng ½ tổng tài sản của doanh nghiệp. Giá cổ phiếu MHC tăng 2.000đ/CP lên 10.000đ/CP trong năm 2020.
2.1.4. Thu nhập bất thường nhờ chênh lệch tỷ giá hối đoái.
Thu nhập bất thường từ chênh lệch tỷ giá hối đoái là 1 khoản thu nhập đặc biệt của các doanh nghiệp có các khoản thu, chi hoặc vay vốn bằng ngoài tệ. Các khoản thu nhập này có được do thay đổi tỷ giá hối đoái.
- Doanh nghiệp có nguồn tiền vào bằng ngoại tệ sẽ được hưởng lợi khi tỷ giá tăng và ngược lại
- Doanh nghiệp có nguồn tiền ra bằng ngoại tệ sẽ được hưởng lợi khi tỷ giá giảm và ngược lại.
Trường hợp thực tế 4: VHC được hưởng lợi từ thay đổi tỷ giá
2.1.5. Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp
Các chính sách ưu đãi và hỗ trợ của nhà nước tạo động lực để cho doanh nghiệp phát triển nhằm đạt được mục tiêu phát triển kinh tế và xã hội
Trường hợp thực tế 5: VNM được miễn thuế năm 2006 – 2007
Năm 2002 – 2005, sàn chứng khoán Việt Nam có rất ít doanh nghiệp niêm. Bộ tài chính đã giảm thuế cho các doanh nghiệp niêm yết nhằm đa dạng hóa cổ phiếu trên sàn và thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển. Báo cáo tài chính của các doanh nghiệp được giảm thuế cải thiện rõ rệt. Nhà đầu tư với con mắt kỳ vọng vào sự phát triển của Việt Nam, cùng làn sóng đầu cơ mạnh mẽ năm 2006 – 2007 đã làm giá các cổ phiếu tăng mạnh mẽ.
Tuy nhiên, chính sách ưu đãi tác động mạnh đến doanh nghiệp nhưng chỉ kéo dài trong một thời gian nhất định. Nhà đầu tư thận trọng khi chính sách ưu đãi thay đổi.
2.1.6. Khấu hao TSCĐ giảm mạnh do tài sản hết khấu hao nhưng vẫn có thể hoạt động
Khấu hao tài sản cố định hạch toán vào giá vốn hàng bán. Sự thay đổi khấu hao ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Trường hợp thực tế 6: PPC tài sản cố định hết khấu hao nhưng vẫn có thể sử dụng
Hết năm 2015, tài sản cố định lớn của PPC đã hết khấu hao nhưng vẫn tham gia vào hoạt động sản xuất điện. Năm 2016, Khấu hao tài sản cố định PPC giảm mạnh từ 458 tỷ năm 2015 chỉ còn 72 tỷ.
Năm 2016, sản lượng điện giảm nên LN PPC giảm mạnh nên hiệu quả hoạt động của PPC giảm. Nhưng đến năm 2017 và 2018, hiệu quả HĐKD của PPC cải thiện đáng kể. Giá cổ phiếu PPC tăng từ 9.000đ/CP lên 27.000đ/Cp từ năm 2015 – 2021 như đồ thị:
2.2. Cảnh giác các khoản chi phí bất thường
Các khoản chi phí bất thường không chỉ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong kỳ kinh doanh, mà có thể là dấu hiệu gian lận hoặc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bị sa sút. Nhà đầu tư cần tìm hiểu rõ nguyên nhân của các khoản chi phí bất thường để có thể hiểu rõ hơn về tình hình hoạt động của doanh nghiệp.
Các khoản chi phí bất thường có thể do:
- Trích lập dự phòng: giảm giá hàng tồn kho, khoản phải thu khó đòi và các khoản đầu tư thua lỗ
- Chi phí tài chính tăng
2.2.1. Dự phòng giảm giá hàng tồn kho
Doanh nghiệp bán hàng tốt thì hàng tồn kho luân chuyển nhanh. Doanh thu và hiệu quả hoạt động doanh nghiệp tốt. Khi hàng tồn kho không thể luân chuyển là dấu hiệu cho thấy hoạt động của doanh nghiệp đang gặp khó khăn:
- Ngắn hạn: Doanh nghiệp phải trích lâp dự phòng giảm giá hàng tồn kho
- Dài hạn: Sản phẩm của doanh nghiệp đang canh trạnh mạnh, doanh nghiệp đang trong giai đoạn khủng hoảng hoặc suy thoái.
Mặt khác, Trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho có thể do gian lận trong việc xác nhận giá trị hàng hóa trong kho của doanh nghiệp.
Trường hợp thực tế 7: TTF trích lập dự phòng 1.000 tỷ do giảm giá hàng tồn kho.
Nhà đầu tư chịu thiệt hại nặng nề khi giá cổ phiếu TTF, kề từ tháng 6/2016 đến 6/2017 giá cổ phiếu TTF giảm từ 40.000đ/CP xuống còn 7.000đ/CP. Sau đó, giá cổ phiếu TTF tiếp tục giảm tiếp 2.000đ/CP (năm 2020).
2.2.2. Chi phí tài chính tăng
Chi phí tài chính bao gồm:
- Các khoản lãi vay ngân hàng
- Lỗ tỷ giá hối đoái
- Trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh
Các khoản vay là điều cần thiếu cho sự phát triển hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp lạm dụng các khoản vay quá mức sẽ dẫn đến áp lực trả lãi cao, chi phí tài chính quá lớn, hiệu quả hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Trong kinh doanh, Rất nhiều doanh nghiệp chím đằm trong cảnh nợ nần và dẫn đến phá sản. Trên thị trường chứng khoán số lượng doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính cũng rất nhiều như: Các công ty con trong Tập đoàn Sông Đà (SDH, SD3,…), Công ty Cổ phần Vận tải biển và Thương mại Phương Đông – NOS, HAG – Hoàng Anh Gia Lai,…
Trường hợp thực tế 8: HAG trả lãi hơn 1000 tỷ/năm
Chi phí lãi vay 1.500 tỷ/năm quá lớn so với lợi nhuận gộp của HAG. Doanh nghiệp hoạt động không có hiệu quả, đặc biệt trong 2 năm 2019 và 2020 HAG lỗ 2.000 tỷ/năm.
2.3. Tỷ lệ biên lợi nhuận gộp và biên lợi nhuận thuần
Biên lợi nhuận gộp và biên lợi nhuận thuần là 2 chỉ số phản ánh hiệu quả sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp.
Cổ phiếu của doanh nghiệp duy trì tỷ lệ biên lợi nhuận gộp 20 – 30%, và biên lợi nhuận thuần 10 – 20% trong 10 năm đều là siêu cổ phiếu như: VNM, HPG, VHC,…
VNM luôn duy trì tỷ lệ biên LN gộp và biên LN thuần ở mức cao. Giá cổ phiếu VNM tăng 28 lần kể từ nằm 2005 đến 2019.
2.4. Tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận
Nhà đầu tư luôn tìm kiếm cổ phiếu doanh nghiệp tăng trưởng với doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng hàng năm. Giá các cổ phiếu của doanh nghiệp nhanh chóng dẫn đầu và leo lên những đỉnh cao mới.
Nhìn vào bảng trên ta thấy doanh thu và lợi nhuận HPG tăng trưởng tốt qua các năm. Điều này thu hút nhà đầu tư mua và nắm giữ cổ phiếu HPG, giá cổ phiếu HPG tăng 50 lần từ đầu năm 2008 đến 2021.
Thành công trong chứng khoán cũng giống như thành công trong nhiều lĩnh vực khác. Nhà đầu tư phải bỏ thời gian để học tập, nghiên cứu, phân tích và trải nghiệm thực tế. Khả năng phân tích doanh nghiệp được cải thiện dần, các quyết định đầu tư sẽ chính xác và hiệu quả hơn.
Chúc các bạn đầu tư thành công.
Nguyễn Quảng Thịnh – Phân tích và Tư vấn Chứng khoán
Điện thoại / Zalo / Viber: 0904679589
Facebook: vừa và đủ
Email: thinh.nquang1@gmail.com