Diễn biến của thị trường chứng khoán phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Trải qua hơn 20 năm phát triển, Sự thay đổi lãi suất tác động đến thị trường chứng khoán Việt Nam như thế nào? Bằng việc tìm hiểu lại toàn bộ diễn biến lãi suất/chính sách lãi suất từ năm 2000 đến nay và gắn với các giai đoạn phát triển của thị trường chứng khoán để chúng ta có thể thấy được sự tác động này.
1. Sự thay đổi chính sách điều hành lãi suất từ năm 2000 – đến nay.
Năm 2000 – 2011: NHNN (ngân hàng nhà nước) điều hành chính sách lãi suất bằng việc công bố lãi suất cơ bản (LSCB), khi đó lãi suất cho vay được thỏa thuận nhưng không vượt quá 50% LSCB (Quy định trong điều 476 Luật dân sự năm 2005).
2011 – đến nay: NHNN bỏ quy định lãi suất cơ bản và chuyển sang quy định lãi suất huy động tối đa theo từng kỳ hạn.
2. Giai đoạn 2000 – 2007: Giai đoạn BÙNG của TTCK.
- LSCB được duy trì ổn định từ 7.2% – 9%/năm.
- Chính phủ có nhiều biện pháp thúc đấy thị trường chứng khoán phát triển.
- Năm 2006, Việt Nam gia nhập WTO
Những điều trên đã tác động tích cực đến thị trường chứng khoán, chỉ số Vnindex tăng từ 100 điểm lên gần 1.170 điểm (tăng gần 12 lần trong 7 năm).
3. Giai đoạn 2008 – 2011: Giai đoạn NỔ của TTCK.
Đầu năm 2008, xu hướng lạm phát tăng cao, NHNN tăng dần LSCB từ 9% lên 14% (6/2008), lúc này xuất hiện cuộc chạy đua lãi suất giữa các ngân hàng trong nước.
Khủng hoảng BĐS tại Mỹ diễn ra vào năm 2007, năm 2008 trở nền trầm trọng hơn. NHNN siết chặt các hoạt động cho vay đầu tư chứng khoán. Điều này gây tác động tiêu cực kép đến TTCK Việt Nam.
Trong năm 2008, Chỉ số Vnindex giảm từ 1170 điểm xuống 310 điểm. Đến tháng 2/2009, Vnindex giảm xuống đáy 235 điểm.
Trước những đổ vỡ liên tiếp của nền kinh tế, NHNN đã giảm lãi suất cơ bản xuống 8.5%/năm vào cuối năm 2008. Đầu năm 2009, chính phủ tung ra gói hỗ trợ kinh tế. Trong đó, hỗ trợ giảm lãi suất cho vay ngắn hạn xuống còn 4%/năm. Trong năm 2009, Vnindex tăng từ 235 điểm lên 600 điểm.
Cuối năm 2010 và đầu năm 2011, gói cứu trợ kinh tế/liều thuốc kích thích hết tác dụng, lạm phát có nguy cơ tăng cao. NHNN buộc phải tăng trần lãi suất huy động từ 12%/năm lên 14%/năm (đầu năm 2011, NHNN bỏ chính sách điều tiết bằng LSCB). Sau 3 năm, một cuộc chạy đua lãi suất giữa các ngân hàng thương mại lại diễn ra. Thị trường chứng khoán ảm đạm và nhà đầu tư chán nản, chỉ số Vnindex giảm từ 500 về 350 điểm.
4. Giai đoạn 2012 – đến nay: Giai đoạn ổn định và tăng trưởng.
Từ đầu năm 2012 đến nay, trần lãi suất huy động giảm dần từ 13%/năm (2/2012) còn 4.5%/năm (9/2020). Mức lãi suất 4.5%/năm được áp dụng cho đến nay.
Thị trường chứng khoán phục hồi dần và có sự tăng trưởng tốt. Đặc biệt từ thời điểm dịch Covid-19 (3/2020) bắt đầu diễn ra, NHNN giảm lãi suất xuống 4.5%, thị trường chứng khoán tăng hơn 2.5 lần từ 600 điểm lên gần 1500 điểm (3/2022).
Tổng kết: Lãi suất giống như trọng lực của trái đất nhưng được áp dụng cho các tài sản trong nền kinh tế (các CP trên TTCK là một dạng tài sản). Nếu lãi suất giảm thì trọng lực này giảm, giá của các tài sản tăng. Ngược lại, lãi suất tăng thì trọng lực này tăng, giá của các tài sản giảm.